Sưu tầm

Dịch chức danh

08/12/2020
             Chuyển ngữ các chức danh là một việc khá phức tạp, không chỉ đối với những người mới học tiếng Anh. Để dịch chính xác, bên cạnh việc phải có vốn từ phong phú, người dịch còn phải hiểu biết về chế độ chính trị, xã hội, tổ chức của nước sở tại, của công ty, tập đoàn... đang được nói đến, thậm chí phải biết cả những thói quen ngôn ngữ (đôi khi không lý giải được) của người bản ngữ.

            Chẳng hạn, Parliament/National assembly (quốc hội) ở Việt Nam chỉ là một cơ quan thống nhất, ở Nga cũng chỉ có một, được gọi là “The Duma”, trong khi đó ở Anh lại được chia thành The House of Lords (Thượng viện). và The House of Commons (Hạ viện); ở Mỹ các cơ quan tương tự được gọi là The Upper House, The Lower House hoặc The Senate và The House of Representatives. Hạ viện Pháp trong tiếng Anh là The Chamber of Deputies. Do đó, một nghị sĩ nói chung có thể gọi là congressman (hoặc congresswoman - nữ nghị sĩ), nhưng khi nói về các nghị sĩ Anh, Mỹ... ta lại phải phân biệt: thượng nghị sĩ Mỹ là senator (thượng nghị sĩ Scotland lại được gọi là Lord of Session), hạ nghị sĩ là representative. Hạ nghị sĩ Pháp nên dịch là deputy...

            Có lẽ không ai lạ gì từ president (tổng thống) và chairman (chủ tịch). President không nhất thiết là người đứng đầu một nước, mà còn có thể là chủ tịch của một công ty, thế nhưng nếu bạn chỉ nói “the President” mà không giải thích gì thêm là president của cái gì và ngữ cảnh không gợi cho người nghe hiểu rõ điều này, thì người ta sẽ nghĩ là bạn đang nói về Tổng thống Mỹ.

            Nói đến từ secretary, ta dễ có xu hướng nghĩ đến các cô thư ký xinh đẹp mặc váy ngắn, luôn tất bật với chương trình làm việc và các cuộc điện thoại của “sếp”, tuy nhiên ở Mỹ, từ này còn có nghĩa là “bộ trưởng”. Bà Madelene Albright, “Secretary of State” - cựu Ngoại trưởng Mỹ - còn có thể giống với sự hình dung này đôi chút ở dáng vẻ bên ngoài, nhưng thật khó mà tưởng tượng được ông William Cohen lại “xinh đẹp, mặc váy ngắn...”(!)

            Không chỉ có các chức danh trong chính trị mới rắc rối như... chính trị.

Các từ head và chief thông dụng đôi khi cũng gây lúng túng cho người dịch. Theo một biên tập viên người nước ngoài, nếu như từ head (of...) vừa có thể là môt chức vụ chính thức, vừa có thể chỉ là một cương vị được bầu lên một cách không chính thức, chẳng hạn như người đứng đầu của một nhóm sinh viên, một ban nhạc nghiệp dư..., thì từ chief (of...) thường là một chức vụ được tổ chức bổ nhiệm hẳn hoi. Ngoài ra, do thói quen ngôn ngữ, người ta nói an editor-in-chief (một vị tổng biên tập), a commander-in-chief (một vị tổng chỉ huy) mà không nói editor-in-head hay commander-in-head. Ngược lại, người ta nói director-general mà không nói director- in-chief...

            Còn một điều rất đơn giản nữa nhưng không phải ai cũng để tâm viết cho đúng: Cùng là một chức vụ, nhưng nếu để chỉ một nhân vật cụ thể thì chức vụ phải viết hoa: chẳng hạn Mr John Smith, Managing Director of Smith Biscuits, said:..., song khi là một danh từ chung chung, không chỉ rõ cụ thể thì lại không viết hoa: The managing director of a big company in the city said:...

Sưu tầm (theo báo VN Investment)