Dịch thuật - Diễn dịch
18/11/2020Trong tiếng Anh, có hai động từ chỉ khái niệm dịch thuật: dịch bằng miệng (interpret: thông dịch) và dịch bằng văn bản (translate). Riêng chữ interpret, ngoài nghĩa thông dịch, còn có nghĩa là diễn dịch. Điều đó có nghĩa mọi hành vi dịch thuật đều là một sự diễn dịch. Nói cách khác, khi dịch một văn bản, người ta chỉ dịch theo cách người ta hiểu về văn bản ấy. Không bao giờ có một văn bản tự tại. Mọi văn bản chỉ tồn tại dưới mắt một người đọc nào đó. Những người đọc này ít nhiều có sự khác biệt trong cách đọc, cách hiểu, tuỳ thuộc vào văn hoá, tuổi tác, kinh nghiệm, vốn đọc, thời điểm, tâm trạng. v.v. Ngay cả khi cách đọc/hiểu có giống nhau thì khi dịch nó, người ta cũng có những cách diễn đạt khác nhau, tuỳ theo cảm giác về ngôn ngữ và phong cách sử dụng ngôn ngữ của từng người, đó là chưa nói đến vai trò của âm điệu, nhịp điệu, màu sắc ngữ nghĩa và những hàm ý “thi tại ngôn ngoại”. Một khi người ta không thể thống nhất với nhau về sự diễn dịch hoặc/và cách dịch, nhất là khi dịch những văn bản văn học, vốn thường đa nghĩa, thì trong các cuộc tranh luận về dịch thuật, trừ những chỗ sai hoàn toàn về từ vựng, cú pháp hay kiến thức, còn lại, đều có tính chất tương đối. Không có một bản dịch nào là đúng nhất, hoàn hảo nhất và vĩnh cửu. Tác phẩm văn học thì chỉ có một, nhưng chúng ta thường thấy có hiện tượng người ta dịch đi dịch lại một tác phẩm nào đó. Bởi vì từng giai đoạn, từng thời đại, sẽ có cách diễn dịch khác và cách dịch khác, theo sự thay đổi của ngôn ngữ và quan niệm thẩm mỹ theo thời gian.
(Sưu tầm)