Sưu tầm

Im lặng - Một nguyên lý hồi chỉ của tỉnh lược ngữ dụng

17/11/2020

              Trong giao tiếp, nhiều khi chúng ta rất hay bắt gặp những tình huống “bỏ trống phát ngôn”, tức là người nói tự nhiên im lặng hay một đoạn văn bản bị gián đoạn. Trước đây, đã có một số nhà nghiên cứu hiện tượng này [K. Orecchioni, 1987; Nguyễn Dương, 1996], nhưng chủ yếu trên bình diện tâm lí. Sự im lặng đó theo cách phân loại của chúng tôi là một dạng tỉnh lược toàn phần [X. thêm Phạm Văn Tình, 2001: 128–157]. Đó là điều không bình thường đối với một cuộc đối thoại bình thường(1). Một cuộc đối thoại bình thường là một cuộc đối thoại có người nói lời và người đáp lời. “Trao đáp là vận động cơ bản của hội thoại” [Đỗ Hữu Châu & Cao Xuân Hạo, 1997: 22]. “Mỗi lượt lời được xây dựng trên cơ sở những lượt lời trước đó. Vậy là có sự luân phiên lượt lời, luân phiên nói năng trong hội thoại. Đó là một nguyên lí hội thoại” [Nguyễn Đức Dân, 1998: 87]. Tuy nhiên, trong một chừng mực nào đó, người nói vẫn có thể lâm thời làm gián đoạn cuộc thoại bằng một sự im lặng mang tính chuyển tiếp, một ý đồ có chủ ý. Trên quan điểm giao tiếp, sự im lặng giữa chừng ẩn chứa một thái độ. Người ta có thể không muốn tiếp tục cuộc thoại vì cho là vô bổ, không cần thiết. Nhưng có nhiều lúc, người nói rơi vào tình huống lúng túng, khó trao lời hoặc chưa tìm ra một cách trao lời thích hợp. Thay cho một câu đáp cần có, họ chọn sự im lặng và ngầm chờ đợi một diễn biến mới (có khi từ phía người đang đối thoại) để tiếp tục cuộc thoại. Theo chúng tôi, đó là sự tỉnh lược toàn phần có giá trị giao tiếp.

            R. Mihallä cho rằng “Sự im lặng trở nên thích đáng, với tư cách là một hành vi, chỉ khi đối chiếu với những tình huống” [Dẫn theo Nguyễn Dương, 1996: 46]. Im lặng là một trong những dạng tỉnh lược phức tạp, và nói chung người đối thoại không được phép chủ quan gán ghép bất cứ ý nghĩa nào cho một hành vi im lặng nếu chưa đối chiếu nó với các phát ngôn trong mạch diễn ngôn. Sự im lặng ở đây cũng được xét như sự lược bỏ hoàn toàn một lượt lời lẽ ra cần phải có trong giao tiếp đối đáp. Sau đây, chúng ta sẽ lần lượt xem xét các tình huống im lặng nhằm diễn đạt các nội dung ngữ nghĩa, cụ thể là biểu thị các thái độ khác nhau.

            Xét ví dụ:

            [1] Người cha nhìn đứa con chòng chọc, thở dài. Một giọt lệ từ từ lăn xuống chiếu: 
            – Thầy bảo gì con ạ? 
            – Lúc nãy, mẹ con mày ăn cám phải không? 

            Gái gượng cười cãi: 
            – Ăn chè đấy chứ! 
            Bố nó chép miệng: 
            – Khốn nạn, chè đâu mà ăn, cơm còn không có nữa là chè! Rõ mày khổ từ trong bụng mẹ... 
            Cái Gái cúi đầu không nói (= Ø = im lặng)

            (Nam Cao)

            Đoạn thoại trên được xen kẽ bởi các phát ngôn được người viết thêm vào nhằm giải thích thêm các trạng thái diễn biến tâm lí nhân vật (Gái gượng cười cãi ; Bố nó chép miệng; ...). Riêng phát ngôn cuối cùng “Cái Gái cúi đầu không nói” thì lại là một phát ngôn thuần tuý miêu tả sự tình, trong giao tiếp nó sẽ là một sự im lặng không đáp lời. Không phải người nói có ý kết thúc cuộc thoại (chẳng hạn thấy không có gì đáng nói tiếp thì im lặng để từ đó tiếp tục chuyển hướng đề tài trao đổi) mà sự im lặng ở đây rõ ràng có lí do : Người nói (Cái Gái) cảm thấy đang ở một tình huống rất khó trao lời, vì người nói trước (ông bố) đã đưa ra một luận cứ có giá trị tới mức bác bỏ hoàn toàn tính xác thực của phát ngôn trước đó (Chè đâu mà ăn, cơm còn chẳng có nữa là chè). Sự im lặng ở đây ngầm được hiểu là một sự thừa nhận sự tình mà người khác vừa nêu ra. Tâm trạng của cái Gái là, thừa nhận lời bố nói là đúng, vậy phát ngôn của mình vừa nói ở trên là sai, là một sự nói dối vụng về. Suy rộng ra, sự im lặng chứng tỏ cái Gái đã thấm thía một điều : Nếu không coi đó là một sự tủi nhục thì cũng là một sự thật hết sức đau lòng.

            Trong hội thoại, nhiều khi lời nói im lặng cũng có giá trị như một sự thừa nhận, một sự bất lực trong việc tiếp tục bày tỏ ý lập luận của mình. Người nói không muốn đối thoại trực diện vào vấn đề đang nói tới và nếu nói tiếp có thể gây phương hại tới thể diện.  

            Ví dụ :

[2]
 – Sao con không lo ôn bài vở ? Đã học kém còn lười vậy sao đậu được? 
– Ba đừng lo. Thầy giáo con nói con vẫn được điểm khá mà. 
– Đâu có ? Đây, sổ liên lạc thầy giáo vừa đưa cho ba đây này. Toàn hai là hai... 
– Ø 
– Có đúng đây là điểm của con không? 
– Ba đưa đây ! Sao thầy lại không đưa trực tiếp cho con nhỉ?

            (Tuổi trẻ Cười)

            Rõ ràng, người nói đã ở hoàn cảnh bị dồn vào thế bí, bị “đuối lí” và nếu trả lời rất dễ bị bẽ mặt, mất thể diện. Sự im lặng được coi như một cứu cánh tình huống giúp người nói hi vọng vớt vát thể diện bằng các phát ngôn đáp nhưng lạc đề. Đó là một sự im lặng đánh trống lảng mà kết cục nhiều khi không đoán trước được. Có thể ông bố vô tình bị kéo theo vào sự chuyển hướng đó (chẳng hạn quay sang hỏi : Chắc là thầy gặp ba nên đưa luôn) hoặc có thể ông bố sẽ nổi giận về thái độ thiếu thành khẩn của cậu con trai (và rất có thể cậu con sẽ bị ăn đòn như chơi). Tính bất định của các hướng giao tiếp kiểu như vậy là rất cao.

            Lại có những trường hợp sự im lặng là một dấu hiệu phản đối của người nghe. Lúc đó người nghe (vì không thể áp đặt quá mức) phải dựa vào tình huống để đưa ra phán đoán và đồng thời xác lập chiến lược giao tiếp nếu không khó có thể tiếp tục cuộc thoại. Chẳng hạn ví dụ sau (Chúng tôi đã lược bớt những chi tiết không cần thiết – P.V.T.):

            [3]
            – Nó đã sắp nói một lời gì để can cha, thì cha đã bảo: 
            –Còn mày thì tao cho người ta cưới. 
 

            Chuyện cưới xin khiến Dần thèn thẹn. Thành thử nó lại không tìm được câu gì để nói (= im lặng). Vẫn người bố nói: 
            – Thôi thì trước sau gì cũng một lần. Có rùi gắng cũng chẳng rùi gắng được bao nhiêu... Thấy người ta nói mãi tao cũng nể... 
            – Nể! Nể cái gì! Thầy cứ bảo rằng: mẹ con chết đi rồi, hai em thì còn dại, chỉ có con hơi lớn một tí phải ở nhà thổi cơm nấu nước.

             (Nam Cao)

            Sự im lặng giữa chừng của cô gái đang ẩn chứa một thái độ, nhưng thái độ như thế nào (đồng ý hay không đồng ý) thì người bố cũng chưa xác định được. Việc diễn giải dài dòng của ông chứng tỏ ông tiếp tục thăm dò để khẳng định thái độ đó. Phát ngôn tiếp theo của cô gái không những có giá trị nối tiếp cuộc thoại mà “tường minh hoá” thái độ im lặng vừa rồi của mình. Tuy nhiên diễn biến tiếp theo chứng tỏ sự im lặng sau đó lại có sự chuyển hướng theo chiều ngược lại, bằng các phát ngôn đối đáp khác:

            [4] (Sau một đêm người bố ra sức thuyết phục và cô gái tiếp tục im lặng) 
            Thầy nó bảo : 
            – Hôm nay mày phải xuống chợ một tí, con ạ. 

            – Mua bán gì mà đi chợ? 
            – Mua mấy xu chè tươi, với mấy quả cau. Người ta đến, cũng phải có bát nước, miếng trầu tươm tất chứ? 

            – Chào!... Vẽ chuyện!

            (Nam Cao)

            Lần này thì các phát ngôn đáp lời của cô gái (dù có vẻ vu vơ: Chào!... Vẽ chuyện) đã bộc lộ ý chấp nhận (Nếu không cô sẽ trả lời bằng một câu, đại loại: Con đã nói là con nhất quyết không đồng ý rồi...). Nó đồng thời giúp ông bố xác nhận được thái độ của sự im lặng trước đó. Không có các phát ngôn tiếp theo người bố sẽ rơi vào tình huống không thể đoán định được sự diễn biến tâm lí trong lòng cô con gái của mình. Từ đó, nó cho phép tiếp tục mạch diễn ngôn theo chiều hướng tích cực và định hướng cho hành động tiếp theo của cả hai. Rất nhiều trường hợp người nghe ngầm xác định được sự chuyển hướng thái độ của người đối thoại qua một lần im lặng của họ(có lợi hoặc không có lợi cho mình) từ đó mà chọn cách ứng xử sao cho phù hợp. Sự xác định đó có thể căn cứ vào các dữ kiện phụ, như cử chỉ điệu bộ, ánh mắt của người nói, v.v...

            Lại có những trường hợp im lặng liên tiếp trong một cuộc thoại. ở đây có sự biểu hiện mức độ về thái độ của nhân vật giao tiếp. Chẳng hạn :

            [5] ... Vừa nom thấy hắn, cụ Triệu đã đỏ mặt tía tai, hét lớn: 
            – AQ thằng nhãi ranh lếu láo! Mày nói mày là đồng tông với tao phải không? 
            AQ nín thinh (= im lặng). Cụ Triệu càng tức, xấn lại mấy bước: 
            – Mày dám nói láo ! Làm sao tao lại có thể đồng tông với một đứa như thế kia. Mày họ Triệu à? 
            AQ nín thinh (= im lặng) toan tháo lui, cụ Triệu nhảy xổ tới giáng cho một cái tát: 
            – Làm sao mày lại họ Triệu được? Mày đâu đáng mặt họ Triệu! 

            AQ không cãi lại (= im lặng) rằng mình “chính tông” họ Triệu mà chỉ đưa tay lên xoa xoa má bên trái, rồi cùng thầy trương tuần rút lui.

            (Lỗ Tấn)

            Sự im lặng tuyệt đối “không dây lời” của AQ không phải là một thái độ bất hợp tác. AQ chính thức thừa nhận sự huênh hoang, có phần “nói hớ” của mình trước đó bằng im lặng. Người nói (cụ Triệu) thừa biết điều này nên tỏ thái độ lấn át, muốn hạ uy tín bằng các lời xúc phạm miệt thị, một hành vi đe doạ thể diện đối tượng đang tham thoại. Sự im lặng liên tục của AQ là một thái độ không bình thường, chứng tỏ AQ chấp nhận một cách nhẫn nhục như ngầm thừa nhận sự yếu thế của mình. Những tình huống như vậy thường xảy ra ít (vì người nói có thể im lặng rồi bỏ đi hoặc không tiếp tục trao đổi), tuy nhiên, mỗi một lần im lặng tiếp theo là một lần khẳng định thái độ của người nghe ở mức độ cao hơn. Nó có thể bộc lộ thái độ đồng ý, thừa nhận, bác bỏ, khinh bỉ hoặc lưỡng lự ... Nhưng dù thái độ thế nào đi chăng nữa thì nó cũng luôn luôn diễn biến theo một hàm biến thiên từ thấp đến cao.

            Việc phục hồi các phát ngôn tỉnh lược toàn phần như vậy rất khó. Thực tế thì sự im lặng cần được coi như sự tỉnh lược toàn bộ một lượt lời của người tham thoại. Lượt lời đó có thể là một hay nhiều phát ngôn nhưng ý nghĩa của nó dường như nằm trong một câu đáp có hàm ý lựa chọn (có/không). Hơn nữa, im lặng lại có chức năng như một thông điệp ngầm ẩn mà giá trị của nó chỉ được xác lập nhờ các phát ngôn trước (nếu im lặng ở cuối) hoặc các phát ngôn sau (nếu im lặng ở giữa). Không nhờ các phát ngôn liên kết này thì người đọc sẽ không bao giờ giải mã cho đúng được ý nghĩa của sự im lặng. Tuy nhiên, giá trị của hành vi im lặng còn tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố mang tính tình huống và đặc biệt là phụ thuộc vào bản thân nhân vật tham thoại. Bản thân ý nghĩa của sự im lặng trong từng trường hợp không giống nhau và ẩn tàng những nhân tố khả biến. Nhiều khi im lặng có giá trị ngữ nghĩa rất đắc dụng nếu nó xuất hiện đúng lúc đúng chỗ trong giao tiếp.           

            Đành rằng im lặng có lúc là tốt (Lời nói là bạc, im lặng là vàng) nhưng nó chỉ có giá trị khi nó xuất hiện thoả đáng trong chuỗi phát ngôn, hoặc im lặng mang sắc thái tiêu cực (Im lặng đáng sợ). Và sẽ là vô nghĩa nếu cứ im lặng triền miên một phía vì nếu cứ như vậy thì còn đâu là giao tiếp nữa. Lúc đó, sự im lặng quá đà đã vi phạm tới điều kiện cơ bản của hội thoại ltức là đã phá vỡ sự luân phiên lượt lời. Bản thân sự im lặng chỉ có giá trị ngữ nghĩa đích thực khi nó được chêm xen với các phát ngôn trong giao tiếp. Điều kì lạ là chính trong những trường hợp mà người nói chọn sự im lặng xác đáng nhất, thì hàm nghĩa của nó lại lớn hơn nhiều bất kì một phát ngôn (hay cả chuỗi phát ngôn) nào đó trong hiện thực. Chính vì vậy, mà nhiều nhà ngôn ngữ (J. Cosnier & K. Orecchioni 1987, 1988; Nguyễn Dương, 1996) đã coi im lặng là một “thông điệp không lời” mang tính hàm ẩn trong giao tiếp ngôn ngữ.

          (1) Dĩ nhiên, cần phân biệt với những trường hợp không đảm bảo những điều kiện tối thiểu cho sự tồn tại cuộc thoại: những người điếc, người câm, người ở trạng thái thần kinh không bình thường. Hoặc ở những tình huống mà một người nào đó cố tình im lặng, giả vờ không nghe thấy (không tham thoại, bất hợp tác) hoặc là bắt buộc phải im lặng (làm theo mệnh lệnh...). Những điều kiện như vậy không cho phép thực hiện cuộc giao tiếp.

Sưu tầm (PGS. TS. Phạm Văn Tình (Viện Từ điển học và Bách khoa thư VN)