Phân biệt cách dùng một số động từ tiếng anh thường bị mắc lỗi ở người Việt
12/12/2020Có rất nhiều cặp động từ trong tiếng Anh thường gây không ít khó khăn cho người Việt khi học. Bởi nếu dịch chúng sang tiếng Việt thì nghe hoàn toàn "xuôi tai" nhưng thực ra thì người Việt lại hiểu không thật chính xác ý nghĩa của chúng. Và hơn nữa, đối với người bản ngữ thì trong ngữ cảnh (context) nhất định việc dùng lẫn lộn một số cặp động từ cũng vẫn có thể hiểu được. Thậm chí trong nhiều câu, người nói có thể dùng hoặc động từ này, hoặc động từ kia mà không hề mắc lỗi dù ý nghĩa thể hiện có sự khác nhau.
Ở đây chúng tôi chọn ra 3 cặp động từ được sử dụng với tần số rất cao trong văn bản cũng như trong khẩu ngữ. Tuy nhiên, đây lại là những cặp động từ mà người học tiếng Anh thường mắc lỗi nhiều nhất. Đó là 3 cặp "study - learn", "come - go" và "bring take". Thực tế cho thấy không chỉ người mới bắt đầu học mà những người đã học tiếng Anh một hay hai năm vẫn mắc lỗi dùng hai cặp động từ này, thậm chí có những người đã học ba đến bốn năm cũng gặp khó khăn không ít trong cách dùng chính xác các động từ trên ( Đây là nhận xét của một số giáo viên tiếng Anh mà chúng tôi đã có dịp trao đổi, trong đó có bà An na Russel và bà Sherrill Glasser mà chúng tôi sẽ giới thiệu dưới đây).
1. Learn và study
Thông thường, các học viên người Việt cho rằng learn và study đều có nghĩa là "học" nên họ dùng hai động từ này thay cho nhau trong tất cả các ngữ cảnh. Nhưng thực ra, ngay trong trường hợp learn và study tưởng như có thể dùng hoán cải cho nhau, chúng vẫn mang ý nghĩa khác nhau. Chẳng hạn:
(1) I learned Spainish at school
(2) I studied at school
Thí dụ (1) và thí dụ (2) mang hai nghĩa khác nhau. Thí dụ (1) có nghĩa là "Tôi đã học (với ý nghĩa đã biết) tiếng Tây Ban Nha ở trường". Còn thí dụ (2) thì lại mang nghĩa "Tôi đã học (với ý nghĩa có môn học, tiếng Tây Ban Nha là một môn học ở trường nhưng người nói chưa chắc đã biết) tiếng Tây Ban Nha".
Sự khác nhau ở trên được phân biệt dựa vào ý nghĩa gốc của study và learn: Nếu study chỉ hành động học, nghiên cứu, thì learn được sử dụng khi người học lĩnh hội được cái gì (một ngôn ngữ hay tri thức về cái gì đó) từ thực tế hay chính từ hành động học, nghiên cứu (study). Bởi vậy, có thể nói:
(3) I have been studying a lot, but haven't learned anything
(Tôi đã học rất nhiều nhưng chẳng vào/lĩnh hội được gì cả).
Sự lĩnh hội thì có thể xảy ra ở mọi nơi, mọi lúc, nhưng hành động học thì chỉ được tiến hành một cách nghiệm túc hoặc có chủ ý, chứ không phải diễn ra bất cứ lúc nào và ở đâu, vậy nên trong nhiều trường hợp chỉ có thể dùng learn mà không thể dùng study.
Chẳng hạn:
(4) I learned my English through talking with foreigners.
(Tôi đã học tiếng Anh qua việc nói chuyện với người nước ngoài)
Nhưng không thể nói:
I studied my English through talking with foreigners.
Đặc biệt, study không thể thay thế cho learn khi muốn nói câu với ý nghĩa thành ngữ "học được một bài học). Thí dụ:
(5) Although it was very embarcssing, i have learned a lesson that should not ever ask an English which political party he/she support.
(Mặc dù rất xấu hổ, nhưng tôi đã học được một bài học là không nên hỏi một người Anh rằng anh ta theo đảng phái nào).
2. Come và go
Come và go có rất nhiều nghĩa. Ở đây chúng tôi chỉ xem xét hai động từ này với nghĩa di chuyển. Với nghĩa di chuyển, Come thường được dịch sang tiếng Việt là "đến" và go thì được dịch là "đi". Lỗi nhầm lẫn giữa cặp động từ này xảy ra khá thường xuyên.
Chẳng hạn:
(6) I came to her house yesterday.
(Tôi đã đến nhà chị ấy hôm qua)
(7) Anna is going to your office to meet you tomorrow morning.
(Anna sẽ đi cơ quan để gặp chị sáng mai
Trong khi đó, người bản ngữ sẽ dùng ngược lại. Thí dụ (6) họ sẽ dùng go thay vì dùng come; và dùng come thay cho go ở thí dụ (7). Cụ thể:
(6) I went to her house yesterday.
(7) Anna is coming to your office to meet you tomorrow morning.
Sự khác nhau trong cách dùng của go và come được xác định theo vị trí của người nói (speaker) và người nghe (hearer).
2.1. Come
Ở sơ đồ trên, A là nơi mà người nói đang hiện diện, B là dịa điểm có người nghe ở đó, các đường thẳng có mũi tên chỉ đích đến của di chuyển. Trong trường hợp sự di chuyển được bắt đầu từ một điểm bất kỳ hoặc từ chính A hay B, nhưng điểm đến không nằm ngoài hai điểm trên thì đều dùng come. Người nói và người nghe có thể là chủ thể của hành động di chuyển trên nhưng không bắt buộc hay nói cách khác, chủ thể của hành động di chuyển có thể là người thứ ba. Thí dụ:
(8) Do you want me to come to your house ỏ you want to come here?
(Chị muốn tôi đến nhà chị hay là chị đến đây?)
(9) Linda said, she would like to come to your birthday party.
(Linda nói, chị ấy muốn đến dự bữa tiệc sinh nhật của anh đấy.)
Ở thí thụ (8), điểm đến là vị trí có người nghe (your house) hoặc có người nói (here) đang trao đổi. Còn thí dụ (9), điểm đến là vị trí có người nghe nhưng chủ thể của hành động di chuyển không phải là người nói (người nói chỉ gián tiếp truyền đạt lại nội dung thông tin) mà là người thứ ba (Linda). Trong cả hai trường hợp này, người ta đều dụng come chứ không dùng go.
Trong trường hợp hai người nói với nhau về di chuyển xảy ra trong quá khứ hay tương lai tới điểm C, nhưng một trong hai người đã hoặc sẽ ở đó thì chúng ta dùng come.
Thí dụ
(10) I came to meet you in Halong last week, don't you remember?
(Tuần trước, tôi đã đến gặp anh ở Hạ Long, anh không nhớ à?)
(11) I'll come to the hospital to visit you when you have your operation.
(Tôi sẽ đến bệnh viện thăm anh khi anh phẫu thuật.)
Thí dụ (10) nói về một hành động xảy ra trong quá khứ và thí dụ (12) nói về một hành động sẽ xảy ra trong tương lai, nhưng cả hai địa điểm đều là những nơi mà người nghe đã có mặt (Hạ Long) hoặc sẽ có mặt (Bệnh viện) ở đó. Vì thế, come được sử dụng để diễn tả tình huống này.
2.2. Go
Trong sơ đồ trên, A và B là nơi có mặt người nói hoặc người nghe. D và C là hai điểm đến bất kỳ. Chúng ta dùng go để diễn tả tất cả những sự di chuyển từ một điểm bất kỳ hoặc chính từ A hoặc B tới một đích đến nằm ngoài A và B, trong đó cả người nói hoặc người nghe không có mặt ở đích đến khi hành động di chuyển xảy ra. Người nói và người nghe có thể là chủ thể của hành động di chuyển nhưng không bắt buộc.
Thí dụ
(12 I am going to Hải Phòng tomorrow.
(Tôi sẽ đi Hải Phòng ngày mai)
(13) Are you going to Huế tomorrow?
(Anh sẽ đi Huế ngày mai à?)
(14) Anna is going to Sài Gòn next week.
(Tuần sau Anna sẽ đi Sài Gòn)
Ở thí dụ (12), người nói sẽ là chủ thể của hành động đến hải Phòng (không có người nghe ở đó). Người nói và người nghe có thể đến đó một mình hay đi cùng bạn bè, gia định của họ. Còn ở thí dụ (14), chủ thể của sự di chuyển không phải là người nói, cũng không phải là người nghe mà là một người thứ ba (Anna). Trong cả ba ngữ cảnh trên, chúng ta không dùng come mà luôn dùng go để diễn tả.
Tuy nhiên, không phải hai động từ này luôn luôn được dùng phân biệt với nhau. Trong trường hợp người nói và người nghe sẽ cùng di chuyển đến một địa điểm với nhau thì có thể dùng cả hai hoặc là go with hoặc là come with. Thí dụ:
(15) I am going to Cúc phương, would you like to come with me?
(Tôi sẽ đi Cúc Phương, anh/chị có muốn đi với tôi không?)
Hay: Would you like to go to Hội An with me?
(Anh/chị có muốn đi đến Hội An với tôi không?)
Trong một số trường hợp sau đây chỉ dùng come mà không thể dùng go và ngược lại. Đó là: come here (đến đây); come again (nói lại); I come from Vietnam (Tôi là người Việt Nam/Tôi đến từ Việt Nam)…
Hay: go away (đi đi, đi mất)…
Ngoài ra, khi come và go ở trong một tổ hợp từ thể hiện ý nghĩa thành ngữ thì các kết hợp của chúng với các thành phần khác trong tổ hợp là rất chặt và không thể thay đổi được. Thí dụ: come to tearm with (làm quen), How is it going with you? (Anh/ chị thế nào? Có khỏe không?). v.v.
3. Bring và take
Cả hai động từ này đều rất nhiều nghĩa, đặc biệt khi kết hợp với các giới từ khác nhau. Ở đây chúng tôi chỉ xét đến nghĩa thường gây nhầm lẫn trong cách dùng đối với người học. Đó là bring với nghĩa là mang, đưa và take với nghĩa là lấy đi hoặc đưa. Tương tự như come và go, cách dùng bring và take phụ thuộc vào hướng hành động xảy ra trong mối tương quan với vị trí của người nghe và người nói.
3.1. Bring
Khi hành động bắt đầu từ một điểm bất kỳ và đích đến là A hay B, một trong hai, người nói và người nghe có thể nhưng không bắt buộc phải là chủ thể của hành động trên thì dùng bring. Thí dụ:
(16) I'll bring my bicycle to you when i come to see you.
(Tôi sẽ mang xe đạp của tôi đến cho anh khi tôi đến thăm anh.)
(17) If your wife doesn't have to work on Monday, bring her here for the party.
(Nếu vào thứ bảy hai vợ chồng anh không phải làm việc, hãy đưa cô ấy đến đây dự bữa tiệc.
(18) I met Susan yesterday. She said, she'd bring you a very interesting book.
(Tôi đã gặp Susan hôm qua. Chị ấy nói, chị ấy sẽ mang cho anh một quyển sách rất hay).
Thí dụ (16), nơi mà người nói sẽ đến là nơi mà người nghe ở đó và ngược lại, địa điểm ở thí dụ (17) là nơi mà người nghe sẽ đến và có mặt người nói. Thông thường, học viên người Việt hay nhầm ở thí dụ (170 vì họ cho rằng bring có nghĩa là "mang cái gì đó" còn "đưa ai đến" thì dùng take cho nên họ sẽ nói "… take her here for the party". Thực ra trong tình huống này, người bản ngữ vẫn dùng bring someone với nghĩa là "đưa ai đến". Còn thí dụ (18), chủ thể của hành động là người thứ ba (Susan). Người nói chỉ chuyển tải nội dung thông qua cách nói gián tiếp để thông báo cho người nghe biết. Nói tóm lại, trong cả ba trường hợp này, chúng ta đều dùng bring chứ không dùng take.
Trong trường hợp hai người nói với nhau về hành động mang hoặc đưa ai đó, hay một vật nào đó đã thực hiện trong quá khứ hoặc sẽ thực hiện trong tương lai tới điểm C, nhưng một trong hai người đã hoặc sẽ ở đích đến khi hành động đó kết thúc thì sẽ dùng bring.
(19) 5 years ago I brought my children here and they messed everything up. Do you remember that?
(5 năm trước tôi đã mang lũ trẻ nhà tôi đến đây và chúng đã làm lộn tung tất cả mọi thứ lên. Anh không nhớ à?)
(20) I'll bring it to your office for you. Don't worry.
(Tôi sẽ mang nó đến văn phòng cho anh. Yên tâm đi)
3.2. Take
Tất cả những hành động với ý nghĩa mang hay đưa ai đó, vật gì đó từ một điểm bất kỳ hoặc từ chính A và B tới một đích đến nằm ngoài A và B, trong đó cả người nói hoặc người nghe không có mặt ở đích đến thì dùng take. Người nói và người nghe có thể là chủ thể của hành động trên nhưng không bắt buộc.
Thí dụ:
(21) I am going to take my children to visit their grandparents in Nam Định in the next two weekks.
(Hai tuần nữa tôi sẽ đưa các con tôi về thăm ông bà chúng ở Nam Định.)
(22) John'll come to take his car someday.
(Lúc nào đấy John sẽ qua lấy ô tô của anh ấy.)
Ngoài ra, take còn được dùng trong tình huống khi người nói đưa người nghe đến một nơi nào đó hoặc ngược lại.
Thí dụ:
(23) You can drink as much as you want. Tonight I'll take you home.
(Anh có thể uống bao nhiêu tùy thích. Tối nay tôi sẽ đưa anh về nhà.)
(24) My car is broke down today. Can you take me to my office?
(Hôm nay ô tô của tôi bị hỏng. Chị có thể đưa tôi đến văn phòng được không?)
Ngoài ra, trong một số trường hợp chúng ta chỉ dùng bring mà không dùng take và ngược lại. Chẳng hạn: bring up (nuôi sống); take care (chăm sóc), v.v.
Trên đây, chúng tôi đã trình bày sơ qua những điểm khác nhau cơ bản trong cách dùng ba cặp động từ tiếng Anh mà các học viên người Việt thường nhầm lẫn trong khi học. Để dùng và nói tiếng Anh tốt như hoặc gần giống như người bản ngữ, chúng tôi nghĩ còn cần nhiều yếu tố khác nữa, chẳng hạn như phải luyện phát âm, nắm chắc hệ thống ngữ pháp và đặc biệt có vốn từ vựng phong phú. Với bài viết này, chúng tôi hy vọng sẽ giúp các học sinh người Việt có thể tránh được một số lỗi nhỏ khi học tiếng Anh.
(Sưu tầm)