Sưu tầm

Vấn đề viết hoa địa danh Việt Nam

28/12/2020
            1. Hiện nay, trên các tài liệu sách báo toàn quốc, nhìn chung cách viết địa danh Việt Nam tương đối thống nhất theo nguyên tắc: viết hoa tất cả các thành tố và không gạch nối (trừ các địa danh gốc phương Tây được phiên âm, như Pa-ri, Mat-xcơ-va,…). Tuy nhiên, vẫn còn một số địa danh Việt Nam còn được viết theo nhiều cách khác nhau. Trong bài này, chúng tôi chỉ đề cập đến một số tiêu biểu.

            2. Để hiểu rõ ý nghĩa của các địa danh này, ta cần xác định khái niệm tiền trí từ và phân biệt nó với thành tố chung.

            2.1. Phân biệt tiền trí từ và thành tố chung:

            Tiền trí từ và thành tố chung có một điểm giống nhau là chúng xuất hiện hàng loạt trước và trong nhiều địa danh. Thí dụ: rạch Chiếc, rạch Thai Thai; Vĩnh LongLong Xuyên, Phú Tân, Bình Phú,....

            Nhưng chúng có nhiều điểm khác nhau cần phân biệt.

            2.1.1. Về vị trí: Tiền trí từ luôn luôn đứng trước địa danh. Thí dụ: sông Hậu, xã Tân Phú Trung, cầu Ông Lãnh, vùng Bà Quẹo,…

            Còn thành tố chung có thể đứng đầu hoặc cuối địa danh. Thí dụ: tỉnh Quảng Bình, tỉnh Bình Định; huyện Tân Phú, huyện Phú Vang,…

            2.1.2. Về chức năng: Tiền trí từ chỉ tiểu loại địa danh. Thí dụ: sông Lô, huyện Sông Cầu, cầu Cần Thơ, khu Ngã Bảy,…

            Còn thành tố chung là yếu tố cấu tạo nên địa danh. Thí dụ: Tân An, Tân Bình; huyên Càng Long, tỉnh Vĩnh Long;…

            2.1.3. Về từ loại: Tiền trí từ là danh từ: các từ sông, huyện, cầu, đường,… đều là danh từ. Các từ vốn thuộc từ loại khác thì phải danh hóa. Thí dụ: Trong ngả tắt, cái tắt thì tắt là tính từ, sau đó ở Nam Bộ, từ tắt này đã được danh hóa thành danh từ tắt (bị viết sai chính tả ở Nam Bộ thành tắc) như tắt Ráng, tắc Chàng Hảng,…. Tiền trí từ thường là từ nhưng cũng có thể là ngữ (như ngã ba, cư xá, chung cư, con lươn,…).

            Còn thành tố chung có thể thuộc nhiều từ loại khác nhau. Thí dụ: An Bình, Long An (tính từ), tỉnh Sông Bé, huyện Sông Cầu (danh từ);…

            2.1.4. Về hình thức: Tiền trí từ thì không viết hoa. Thí dụ: huyện Trần Văn Thời, thành phố Hồ Chí Minh.

            Còn thành tố chung thì phải viết hoa. Thí dụ: Bình Tân, An Tân; các huyện Giồng Trôm, Giồng Riềng,....

             2.1.5. Về khả năng chuyển hóa: Tiền trí từ rất dễ chuyển hóa thành thành tố chung.   Thí dụ: rạch Chiếc => cầuRạch Chiếc, cầu Ông Lãnh => phường Cầu Ông Lãnh,…

            Còn thành tố chung ít có khả năng này. Đối với các từ Hán Việt, nếu muốn biến thành tiền trí từ thì phải dịch sang từ thuần Việt, rồi thay đổi vị trí theo cú pháp của tiếng Việt. Thí dụ: Hồng  => sông Hồng.

            2.2Xử lý trường hợp chuyển hóa:

            Khi một tiền trí từ chuyển thành một thành tố của địa danh thì phải viết hoa thành tố đó.

            cầu Bông (tên cầu) => khu Cầu Bông (tên vùng)

            cầu Ông Lãnh (tên cầu) => phường Cầu Ông Lãnh (tên phường)

            giồng Ông Tố (tên giồng) => cầu Giồng Ông Tố (tên cầu)

            phường 9 (tên phường) => chợ Phường 9 (tên chợ)

            hòn Đất (nên núi) => huyện Hòn Đất (tên huyện)

            xóm Chiếu => đường Xóm Chiếu

            Khi tiền trí từ là một ngữ (như xa cảng, bến xe,  ngã tư,…) trở thành một thành tố của  địa danh, để khỏi “rậm”, ta có thể chỉ viết hoa yếu tố đầu:

            ngã tư Bảy Hiền => khu Ngã tư Bảy Hiền

            cư xá Đô Thành => đường Cư xá Đô Thành

            Một số địa danh chuyển sang hiệu danh thì ta cũng áp dụng quy định này:

quận Năm => báo Quận Năm

            ấp Bắc => báo Ấp Bắc (tỉnh Tiền Giang).

            cầu Rạch Chiếc => phim Cầu Rạch Chiếc

            Mặt khác, đối với các địa danh bằng ngôn ngữ dân tộc thiểu số, yếu tố tiền trí từ thường không được rõ nghĩa (đối với người Kinh) và thường được dùng gắn chặt với thành tố riêng, vì thế chúng ta nên đưa các yếu tố chung này vào tên mục từ; thí dụ Bù Đốp (“làng vọc” - Bình Phước), Vàm Láng (“ngã ba Láng Lộc” – Tiền Giang), Kon Tum (“làng ao”), Plei Ku(“làng cuối”),…

            2.3. Địa danh vùng:

            Trong bốn loại địa danh mà chúng tôi phân biệt có địa danh vùng. Loại này thường do quần chúng đặt (một số do nhà nước gọi) và có thêm tiêu chí không xác định được ranh giới và số dân trên địa bàn ấy. Loại địa danh này thường đứng sau một trong các từ: vùng, khu, miền, miệt, xóm, xứ,…

            vùng Bàn Cờ     khu Cây Da Xà (Sà)              xứ Huế, xứ Quảng

miền (diện tích lớn hơn miệt) Bắc/Trung/Nam

miệt (diện tích nhỏ hơn miền) Cao Lãnh, Cà Mau,…

xóm Chùa, xóm Chiếu, …

            Có điều đáng lưu ý là tại một số nơi ở nông thôn miền Bắc và miền Trung hiện nay còn xem xóm như một đơn vị hành chính không chính thức dưới thôn nên đặt tên xóm Một, xóm Hai,…

            Một số địa danh sau đây chưa nhất trí trong cách viết hoa: Nam Kỳ/Nam kỳ; Trung Bộ/Trung bộ;…Bắc Phần/Bắc phần; Tây Nguyên/Tây nguyên; Đàng Trong/Đàng trong, Đàng Ngoài/Đàng ngoài. Theo chúng tôi, đây là các địa danh vùng nên phải theo quy cách viết hoa phổ biến hiện nay: viết hoa tất cả các thành tố và không gạch nối: Bắc Bộ, Trung Phần, Tây Nguyên, Đàng Trong, Đàng Ngoài,…

            2.4. Các từ chỉ hướng:

            Từ trước đến nay, do ảnh hưởng của các ngôn ngữ phương Tây (tiếng Pháp, tiếng Anh), chúng ta thường viết hoa các từ chỉ hướng trong tiếng Việt: Đông, Tây, Nam, Bắc. Thực ra, chúng ta cần phân biệt các trường hợp phải viết hoa và các trường hợp không nên viết hoa: nếu các từ chỉ hướng đứng sau các từ chỉ vùng, miền, phương thì phải viết hoa, như: phương Đông, phương Tây, miền Bắc, miền Trung, biển Đông, miền Tây Bắc nước ta. Hoặc các từ chỉ hướng ngầm chỉ một đất nước thì cũng viết hoa: thuốc Nam (thuốc của Việt Nam), thuốc Bắc (thuốc của Trung Quốc). Còn các từ đứng sau các từ chỉ hướng thật sự thì không viết hoa: đi về hướng đông, đi về phía tây; hoặc các từ chỉ hướng đứng một mình thì cũng không viết hoa; thí dụ: tỉnh Quảng Ngãi bắc giáp tỉnh Quảng Nam, nam giáp tỉnh Bình Định, tây giáp tỉnh Kon Tum,đông giáp biển Đông. Các trường hợp sau đây cũng là từ chỉ hướng nên không viết hoa: 26o đông; 12o tây,…  

            2.5. Các địa danh mang tiền trí từ bến:

            Ở các thành phố miền Nam trước đây, người Pháp thường viết từ rue (“đường phố”) trước tên đường trong nội thành và từ quai (“bến sông”) trước các con đường chạy dọc sông/kinh/rạch. Đến năm 1955, chính quyền Sài Gòn thay từ quaibắng từ bến nên có các con đường bến Chương Dương, bến Hàm Tử, bến Vân Đồn,…Sau ngày thống nhất đất nước, chính quyền bỏ các từ bến trước các địa danh nên chỉ gọi đường Chương Dương, đường Hàm Tử nhưng lại quên gọi bến Vân Đồn. Nên một số người lại gọi và viết đường Bến Vân Đồn. Ở đây có sự không hợp lý vì Vân Đồn là một địa danh lịch sử, giống như Chương Dương, Hàm Tử; còn bến chỉ là một tiền trí từ nên không thể viết hoa.

Trong cuốn Đường phố thành phố Hồ Chí Minh (Nhà xuất bản Văn hóa – Thông tin, 2001),  các tác giả Nguyễn Q. Thắng – Nguyễn Đình Tư đã xử lý đúng là chỉ ghi đường Vân Đồn chứ không ghi đường Bến Vân Đồn.

            2.6. Địa danh bị sai lạc:

            Đối với các địa danh đã bị sai lạc do ngữ âm địa phương hoặc do in ấn gây ra, ta phải xem dạng sai là dạng chuẩn. Vì vậy, dù địa danh đã sai nhưng được xã hội chấp nhận thì ta phải tôn trọng vì ngôn ngữ hoạt động theo quy luật của thói quen. Người Pháp đã diễn đạt ý nghĩa của hiện tượng này trong câu: “L’usage fait loi” (thói quen thành luật). Vậy chúng ta phải chấp nhận cách viết sau đây: Hàng Xanh (Sanh), Giồng Trôm (Vồng), Gành Hào (Hàu), Bình Giã (Dã), Thanh Đa (Thạnh), Hào Võ (Hàu Vỏ), Mã Lạng (Mả Loạn), Lăng Cô (Làng Cò), Dung Quất (Vũng Quýt), Hạnh Thông (Hanh Thông),…

            3. Số lượng địa danh Việt Nam chưa thống nhất cách viết hoa không nhiều. Do đó, nếu chúng ta có một cơ quan Nhà nước và khoa học thảo luận và xác định quy cách viết hoa thống nhất thì vấn đề sẽ dược giải quyết. Hi vọng quyết định không khó khăn và không kéo dài nữa.

            (Sưu tầm)