Viết hoa: Chuyện không đơn giản
09/12/2020Xưa, ông cha ta dùng chữ Hán, chữ Nôm, hoàn toàn chẳng cần viết hoa hay viết thường. Từ khi chữ quốc ngữ sử dụng các mẫu tự Latinh được hình thành và phổ cập rộng rãi, vấn đề viết hoa mới đặt ra.
Có lẽ nên ghi chú điều này: hiện nay, cũng tương tự chữ Hán, trên thế giới còn một số hệ thống văn tự chẳng có lối viết hoa. Như chữ Ả Rập, chữ Thái, chữ Lào, chữ Khmer. Ngay cả những ngôn ngữ sử dụng mẫu tự Latinh để ghi chép thì tùy từng dân tộc, từng cộng đồng mà quy cách viết hoa cũng khác nhau. Văn tự Đức chỉ viết hoa chữ đầu câu và viết hoa mọi danh từ trong câu; không phân biệt danh từ chung với danh từ riêng, mà chỉ phân biệt danh từ với tất cả các từ loại khác. Văn tự Pháp có cách viết hoa gần giống Việt Nam, song cũng tồn tại những khác biệt nhất định.
Không kể lối viết hoa trang trí trong nghệ thuật đồ họa, vì lý do thẩm mỹ, chữ chẳng đáng viết hoa vẫn viết hoa và ngược lại (thường thấy trên bìa sách báo, bích chương, và các bao bì hàng hóa) thì viết hoa trong tiếng Việt hiện đại nhằm thể hiện bốn chức năng cơ bản: cú pháp; tu từ; đối lập danh từ riêng với danh từ chung; biệt hóa tên cơ quan, đoàn thể, tổ chức, sản phẩm. Chúng ta thử xem xét lần lượt từng loại.
Viết hoa cú pháp
Ấy là đánh mốc sự bắt đầu một câu. Cứ mở đầu một câu, chữ đầu tiên phải viết hoa, bất kỳ đó là chữ gì. Điều này tạo phân đoạn về phương diện cú pháp, khiến ý tưởng trình bày được mạch lạc, khúc chiết, dễ tiếp thu. Đây là lối viết hoa bắt buộc của chuẩn chính tả Việt ngữ hiện đại, nhìn chung được thực hiện thống nhất khắp toàn quốc, từ bắc tới nam. Kể cả người nước ngoài và bà con Việt kiều dù ở phương trời nào, khi soạn thảo văn bản tiếng Việt đều nghiêm túc tuân thủ quy định này.
Thực ra, quy định này được xác lập cách đây chưa lâu lắm. Theo nhiều nhà nghiên cứu, giai đoạn chữ quốc ngữ hình thành vào thế kỷ XVII thì lối viết hoa cú pháp chưa xuất hiện.
Sách Phép giảng tám ngày của Alexandre de Rhodes in song ngữ Latinh – Việt vào năm 1651, cũng như các thư từ viết bằng chữ quốc ngữ thời ấy còn lưu lại, cho thấy: người ta chỉ viết hoa sau đoạn xuống hàng và chữ viết hoa được viết thụt đầu dòng; còn các câu trong đoạn văn thì viết thường chữ đầu cả. Phải đến tháng 4-1865, khi Gia Định báo – tờ báo Việt ngữ đầu tiên ở nước ta – ra đời thì lối viết hoa cú pháp như hiện nay mới thực sự được khẳng định.
Căn cứ tín hiệu nào mà chúng ta viết hoa cú pháp?
Dấu chấm (.): cứ chấm hết câu thì viết hoa mở đầu câu kế tiếp.
Đó còn là dấu chấm hỏi (?) và dấu chấm than hay dấu cảm thán (!).
Rắc rối là dấu chấm lửng (…) vì nó có thể kết thúc một câu, nhưng nó có thể nằm giữa câu trong trường hợp liệt kê hoặc do chủ ý người viết muốn gây bất ngờ hay diễn tả sự ngắt quãng, sự kéo dài về âm thanh, v.v.
Hãy so sánh mấy ví dụ sau:
– Lòng ta rộn rã nỗi yêu thương… (Trích thơ Hàn Mạc Tử)
– Cờ bạc là bác thằng… ăn trộm.
– Bước chân ra đi, nó khóc mãi… khóc mãi…
Dấu chấm phẩy ( ; ): cũng là tín hiệu tương tự dấu chấm lửng. Sau dấu này, có khi viết thường, có khi viết hoa. Đọc nhiều tác phẩm, ta thấy các phần tương đối độc lập trong câu được ngăn cách bằng dấu chấm phẩy, chữ tiếp theo vẫn viết thường. Thế nhưng, ở nhiều văn bản hành chính, nhất là phần “căn cứ”, “chiếu theo”, “xét đề nghị” nêu đầu tiên, thì sau các dấu chấm phẩy lại là xuống dòng và viết hoa.
Sau dấu hai chấm ( : ) cũng thế. Có trường hợp viết hoa. Có trường hợp viết thường. Lắm khi rơi vào tình trạng “chín người… mười ý”!
Viết hoa tu từ
Danh từ chung, theo nguyên tắc là không viết hoa nếu nó không nằm đầu câu. Thế nhưng, trong những điều kiện và hoàn cảnh nhất định, muốn nhấn mạnh một từ nào đấy, làm cho từ ấy mang sắc thái biểu cảm, thì người ta viết hoa. Ví dụ
– Con Người, hai tiếng vang lên đầy kiêu hãnh!
– Ý niệm về Mẹ thường không thể tách rời ý niệm về Tình Thương. (Trích Bông hồng cài áo của Nhất Hạnh)
Viết hoa, qua những ví dụ vừa nêu, thường biểu lộ sự tôn kính, góp phần làm câu văn thêm độc đáo. Có thể gọi đây là lối viết hoa tu từ.
Viết hoa tu từ còn được áp dụng khi ghi tước vị, cấp bậc, chức vụ hoặc các yếu tố khác gắn với tên riêng, đặc biệt là các bậc danh nhân. Điều này dẫn tới nhiều cách viết, tạo ra sự không thống nhất. Thử so sánh:
– Phù Đổng Thiên Vương
– Phù Đổng thiên Vương
– Phù Đổng Thiên vương
– Phù Đổng thiên vương
Người ta tỏ ra phân vân, chẳng biết nên viết Chúa Trịnh, Chúa Nguyễn hay viết chúa Trịnh, chúa Nguyễn. Nếu viết hoa chữ “Chúa”, thì phải viết Vua Lê, Vua Nguyễn. Nếu viết thường chữ “chúa” và chữ “vua” ắt phải viết trạng Quỳnh, nghè Tân, đồ Chiểu, tú Xương, v.v.
Vậy cũng đủ thấy rằng viết hoa hay viết thường chưa dễ đạt tới sự nhất trí trong một sớm một chiều!
So với lối viết hoa cú pháp, thì lối viết hoa tu từ đã xuất hiện sớm hơn: ngay từ khi chữ quốc ngữ hình thành vào thế kỷ XVII. Đến nay, dù có đôi điểm chưa thống nhất như đã nêu, song cả hai lối viết hoa trên đại thể đều đã đạt đến quy cách sử dụng tương đối ổn định trong cộng đồng người Việt.
Viết hoa để đối lập danh từ riêng chung
Danh từ riêng là gì? Danh từ chung là gì? Chúng khác nhau chỗ nào?
Theo công trình Hoạt động của từ tiếng Việt do Đái Xuân Ninh biên soạn (NXB Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1978), thì: “Danh từ riêng là tên gọi của một người, một vật, một tập thể riêng biệt. Danh từ riêng phân biệt rõ rệt với danh từ chung về mặt chức năng ngữ nghĩa. Danh từ chung là tên gọi của một loạt sự vật, chứ không phải của từng sự vật riêng biệt. Chúng khác với danh từ riêng ở chỗ bao giờ chúng cũng chứa đựng một nội dung ý nghĩa nhất định, kể cả những trường hợp mà chúng chỉ là tên gọi của một đối tượng duy nhất (mặt trời, quả đất…)”.
Thể hiện trên văn bản tiếng Việt, danh từ riêng mang dấu hiệu hình thức đặc thù là viết hoa. Song, như Nguyễn Văn Tu nhận xét trong chuyên luận Tiếng Việt trên đường phát triển (NXB Khoa Học Xã hội, Hà Nội, 1982) thì: “Viết hoa các danh từ riêng như thế nào là một vấn đề không ổn định và cho đến nay hầu như không có sự thống nhất”.
Để tiện khảo sát, ở đây chúng ta tập trung xem xét quy cách viết hoa nhân danh (họ tên người) và địa danh (tên đất). Chừng ấy cũng đủ thấy… phức tạp lắm rồi!
Về nhân danh, từ trước đến nay, tồn tại nhiều cách viết hoa khác nhau dù cùng một họ tên người. Ví dụ:
– Công Huyền Tôn Nữ Lưu Ly
– Công huyền Tôn nữ Lưu Ly
– Công huyền tôn nữ lưu Ly
– Công-huyền Tôn-nữ Lưu-Ly
– Công- Huyền-Tôn-Nữ-Lưu-Ly
Về địa danh, cũng có nhiều cách viết. Ví dụ: Sài Gòn, Sài gòn, Sài-Gòn, Sài-gòn,Saigon.
Sau này, theo Quyết định số 240/QĐ do Bộ trưởng Giáo dục Nguyễn Thị Bình ký ngày 5-3-1984, thì chuẩn chính tả được thống nhất trên toàn quốc như sau:
Đối với tên người và tên nơi chốn, viết hoa chữ cái đầu tất cả các âm tiết, không dùng gạch nối. Ví dụ: Trần Quốc Toản, Quang Trung, Hà Nội, Bình Trị Thiên, Vũng Tàu. Điều ấy đã được áp dụng trong tất cả văn bản từ bấy tới nay.
Thế nhưng, không ít trường hợp vẫn còn khiến mọi người băn khoăn. Viết miềnNamhay MiềnNam, viết Bắc bộ hay Bắc Bộ, viết kiểu nào? Nếu thêm tọa độ, phương hướng vào, càng lúng túng: nên viết Miền Cực Nam Trung Bộ hay miền cực Nam Trung Bộ, miền cực nam Trung Bộ, miền cực nam Trung bộ đây? Viết hoa chữ cái đầu tất cả các âm tiết, thì viết sông Hồng hay Sông Hồng, viết Hồng hà hay Hồng Hà, viết đồng bằng sông Cửu Long, hay Đồng Bằng Sông Cửu Long đây? Lại thấy có sách báo in Đồng bằng sông Cửu Long và Đồng bằng Sông Cửu Long, kiểu nào đúng?
Có viết hoa tước vị, cấp bậc, chức vụ hoặc biệt hiệu không? Mặc dù điểm này từng đề cập ở phần viết hoa tu từ, song giờ đây cũng nảy thêm thắc mắc. Viết Đại úy út Đen hay hay đại úy út Đen, đại úy Út Đen nhỉ? Viết Xuân tóc đỏ hay Xuân Tóc Đỏ nhỉ?
Nhân danh và địa danh tiếng Việt là thế, còn không phải tiếng Việt thì sao?
Bản Quy định về chính tả tiếng Việt và thuật ngữ tiếng Việt ban hành kèm theo Quyết định 240/QĐ nêu trên có chỉ cách viết tên riêng không phải tiếng Việt, gồm 8 trường hợp:
1. Nếu chữ viết của nguyên ngữ dùng chữ cái Latinh thì giữ đúng nguyên hình, kể cả các chữ cái f, j, w, z; dấu phụ ở một số chữ cái trong nguyên ngữ có thể lược bớt.
Ví dụ: Shakespeare, Paris, Petofi.
2. Nếu chữ viết của nguyên ngữ thuộc một hệ thống chữ cái khác thì dùng lối chuyển từ chính thức sang chữ cái Latinh. Ví dụ: Lomonosov, Moskva.
3. Nếu chữ viết của nguyên ngữ không phải là chữ viết ghi từng âm bằng chữ cái thì dùng lối phiên âm chính thức bằng chữ cái Latinh, thường là cách phiên âm phổ biến trên thế giới. Ví dụ:Tokyo,Kyoto.
4. Trường hợp những tên riêng mà trong thực tiễn sử dụng rộng rãi trên thế giới đã quen dùng một hình thức viết bằng chữ cái Latinh khác với nguyên ngữ thì dùng tên riêng phổ biến đó. Ví dụ:Hungary(dù nguyên ngữ là Magyarorszag),Bangkok(dù nguyên ngữ làKrung Thep).
5. Sông núi thuộc nhiều nước, nên có những tên riêng khác nhau, thì dùng hình thức tương đối phổ biến trên thế giới, song vẫn có thể dùng theo ngôn ngữ địa phương trong những văn bản nhất định. Ví dụ: sôngDanube/ Donau / Duna / Dunares.
6. Những tên riêng hoặc bộ phận tên riêng mà có nghĩa thì dùng lối dịch nghĩa phù hợp. Ví dụ: biển Đen,Guineaxích đạo.
7. Những tên riêng đã có hình thức phiên âm quen thuộc trong tiếng Việt thì không cần thay đổi, trừ khi có yêu cầu đặc biệt. Ví dụ: Pháp, Hi Lạp, Bắc Kinh, Lỗ Tấn. Nhưng thay Ý bằng Italia, thay Úc bằng Australia. Tuy vậy cũng chấp nhận sự tồn tại khác nhau của một số tên riêng trong những phạm vi sử dụng khác nhau. Ví dụ: La Mã / Roma.
8. Tên riêng trong các ngôn ngữ dân tộc thiểu số ở ViệtNamcũng thuộc trường hợp không phải tiếng Việt (Kinh).
Xét 8 trường hợp đã được quy định, chúng ta thấy ngay rằng có những trường hợp vẫn khó thống nhất (trường hợp 5 hoặc 7).
Không hiếm trường hợp tồn tại nhiều kiểu viết khác nhau trong thực tiễn áp dụng cho đến nay đối với cùng một tên riêng: Shakespeare / Xêchxpia / Sếch-xpia; Moskva /Moscow/ Moscou / Matxcơva / Mát-xcơ-va / Mạc Tư Khoa.
Như vậy, rõ ràng hiện trạng viết hoa vẫn còn lúng túng và lung tung lắm lắm.
Ngay các từ mặt trời hoặc quả đất dù đã được xác định là danh từ chung, không viết hoa, song sách báo vẫn in Mặt trời / Mặt Trời hoặc Quả đất / Quả Đất. Nếu căn cứ vào tiêu chí viết hoa để đối lập danh từ riêng với danh từ chung, thì trong trường hợp này, các em học sinh bị nhầm lẫn là điều rất dễ xảy ra.
Viết hoa để biệt hóa tên cơ quan, đoàn thể, tổ chức, sản phẩm
Tên cơ quan, đoàn thể, tổ chức, xí nghiệp, công ty, sở, phòng, ban, trường học, sản phẩm được dùng như những tên riêng – dù chúng không phải là danh từ riêng hoặc chỉ chứa một vài danh từ riêng. Toàn bộ tên gọi này được viết hoa ra sao?
Bản “Quy định về chính tả tiếng Việt và thuật ngữ tiếng Việt” ban hành kèm Quyết định 240/QĐ nêu trên cũng chỉ rõ: Đối với tên tổ chức, cơ quan, chỉ viết hoa chữ cái đầu của âm tiết đầu trong tổ hợp từ dùng làm tên. Ví dụ: Đảng cộng sản ViệtNam, Trường đại học bách khoa Hà Nội, v.v.
Trong giáo trình Tiếng Việt thực hành do Bùi Minh Toán chủ biên (NXB Giáo Dục, Hà Nội, 2000), phần phụ lục đã đăng toàn văn quyết định cùng quy định ấy. Thế nhưng, trong cả hai văn bản đều in rõ: Bộ Giáo dục. Vậy là ngược với quy định! Bởi, theo quy định được nêu kèm ví dụ như vừa dẫn, lẽ ra phải viết Bộ giáo dục thì mới phù hợp chứ.
Qua thực tế, quy định này vẫn không được áp dụng nghiêm túc vì rất nhiều lẽ:
Một tên gọi cơ quan, đoàn thể, công ty, xí nghiệp., v.v., lắm khi rất dài, mang đầy đủ ý nghĩa về cấp độ trong một hệ thống tổ chức nào đấy, về chức năng và nhiệm vụ, lại kèm theo danh hiệu cùng địa điểm.
Ví dụ: Trường đại học nông nghiệp Hôxê Máctin Hà Nội; Công ty trách nhiệm hữu hạn sản xuất, thương mại, dịch vụ và xuất nhập khẩu lương thực, thực phẩm và nông ngư cơ huyện Châu Thành.
Lắm khi, danh từ chung được dùng làm danh từ riêng trong tên gọi cơ quan hoặc sản phẩm, tuy nhiên cách viết tồn tại rất nhiều kiểu. Ví dụ: Nhà xuất bản Giáo Dục / Giáo dục; Báo Giáo dục và Thời đại / Giáo Dục và Thời Đại/ Giáo dục và Thời đại; Tạp chí Tài Hoa Trẻ / Tài hoa trẻ; Tủ sách Hai Tốt / Hai tốt. Thông thường, người ta viết hoa cả cụm từ. Chẳng hạn các báo và tạp chí Nhân Dân, Tài Hoa Trẻ, Thế Giới Mới, Kiến Thức Ngày Nay, Khoa Học Phổ Thông.
Nhưng có người lập luận: nếu thế thì tên các tác phẩm cũng phải viết hoa cả cụm từ. Chẳng hạn phóng sự Tôi Kéo Xe, tiểu thuyết Gánh Hàng Hoa, tập truyện Anh Phải Sống, bài thơ Màu Tím Hoa Sim, ca khúc Nhìn Những Mùa Thu Đi, bức tranh Thiếu Nữ Bên Hoa Huệ.
Thậm chí, có người đề nghị viết hoa tất cả: Nhà Máy Vòng Bi – Xích-Líp Đông Anh; Xí Nghiệp Bóng Đèn-Phích Nước Rạng Đông Hà Nội; Công ty Bảo Tồn Di Tích Cố Đô Huế. Viết kiểu này, cộng thêm các lối viết hoa khác (viết hoa cú pháp, viết hoa tu từ, viết hoa danh từ riêng), nếu không khéo sẽ xuất hiện những văn bản toàn viết hoa và viết hoa!
Xu hướng hiện nay là viết hoa không theo âm tiết mà theo từ trong các tên gọi cơ quan, tổ chức. Ví dụ: Bộ Thông tin, Tuyên truyền, Văn hóa và Du Lịch Lào; Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh; Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang.
Cũng chưa ổn! Vì theo cách này, viết Nhà hát Tuồng Đào Tấn e dễ gây ngộ nhận, mà phải viết Nhà hát tuồng Đào Tấn.
Vậy phải xây dựng mô thức thế nào để khỏi “lúc viết kiểu kia, lúc ghi kiểu nọ” rất … phi hệ thống?
Hội nghị khoa học Chuẩn mực hóa chính tả và thuật ngữ khoa học do Viện Ngôn ngữ học kết hợp tổ chức với Trung tâm biên soạn sách cải cách giáo dục (trực thuộc Bộ Giáo dục) đã diễn ra rất quy mô, liên tục từ Hà Nội (7-1978), vào Huế (8-1978), TP Hồ Chí Minh (10-1978) rồi Hà Nội (6-1979), vậy mà vẫn không đạt đến sự nhất trí về quy tắc chuẩn chính tả chung.
Nhiều hội nghị, hội thảo mang chủ đề tương tự lại tiếp tục được tổ chức bấy nay với kết quả chẳng có gì khả quan hơn.
Một vị giáo sư ngôn ngữ học lão thành phát biểu:
– Dù muốn dù không, việc chuẩn hóa chính tả tiếng Việt cũng phải được xúc tiến để đạt đến sự nhất trí cao dựa trên cơ sở khoa học. Việc này sẽ thuận lợi nếu các chuẩn mực ngôn ngữ khác của tiếng Việt được xác định một cách vững chắc. Riêng quy cách viết hoa, muốn khắc phục tình trạng rối rắm như hiện nay, cũng cần phải dựa trên nhiều thành quả khảo sát và nghiên cứu thật triệt để.
Sưu tầm.