Tin nội bộ

PGS.TS Nguyễn Quang Hưng và Công bố Quốc tế trên Tạp chí Uy tín

22/03/2019
Tạp chí Reports on Progress in Physics (ROPP) của Nhà xuất bản IOPScience, Vương Quốc Anh đã chính thức chấp nhận đăng tải bài báo “Pairing in excited nuclei: A review” của 3 tác giả gồm: PGS. TS. Nguyễn Quang Hưng - tác giả liên hệ, hiện là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Cơ bản & Ứng dụng (IFAS) của Đại học (ĐH) Duy Tân; TSKH. Nguyễn Đình Đăng (Viện RIKEN, Nhật Bản), và GS. TS. Luciano Moretto (Trường ĐH California Berkeley và Phòng thí nghiệm Quốc gia Lawrence Berkeley, Mỹ).
 
PGS. TS. Nguyễn Quang Hưng, Viện trưởng IFAS, Đại học Duy Tân
PGS. TS. Nguyễn Quang Hưng, Viện trưởng IFAS, Đại học Duy Tân
 
ROPP là một tạp chí khoa học uy tín, có tầm ảnh hưởng lớn trong cộng đồng Vật lý, với chỉ số ảnh hưởng (Impact Factor) năm 2017 lên đến 14.257.
 
Ngay khi được Ban Biên tập Tạp chí Reports on Progress in Physics đặt hàng viết về một hướng nghiên cứu mà nhóm đã có nhiều năm kinh nghiệm, PGS. TS. Nguyễn Quang Hưng - Viện trưởng IFAS của ĐH Duy Tân đã cùng các đồng nghiệp tổng hợp các kết quả khoa học cùng những định hướng nghiên cứu tiếp theo trong tương lai để viết bài báo “Pairing in excited nuclei: A review” nhằm cung cấp cho độc giả những thông tin về hướng nghiên cứu này một cách thống nhất, chuyên sâu và đa dạng nhất. Bản thảo bài báo được Tạp chí ROPP chấp nhận đăng có độ dài 48 trang theo định dạng 2 cột với 115 công thức, 59 hình vẽ, và 190 tài liệu tham khảo.
 
“Đây là bài báo dạng tổng quan với nội dung mang tính liên ngành theo yêu cầu của tạp chí, đồng thời ngôn ngữ viết phải thật đơn giản, dễ hiểu cho ngay cả những người không trong cùng chuyên ngành nghiên cứu, do vậy, độ dài của một bài báo như vậy thường tương đối dài. Nhóm tác giả đã phải mất thời gian gần 1 năm để hoàn thiện bản thảo đầu tiên của bài báo. Ngoài ra, nhóm tác giả cũng phải tìm đọc rất nhiều các công trình nghiên cứu về cùng chủ đề nhưng trên các đối tượng nghiên cứu khác nhau như các vật liệu siêu dẫn, vật liệu kim loại có kích thước siêu nhỏ, sao nơtron,... để đảm bảo tính đa ngành trong vấn đề nghiên cứu được trình bày trong bài tổng quan,” tác giả Nguyễn Quang Hưng cho biết.
 
Bởi thế, bài báo “Pairing in excited nuclei: A review” đã mang đến cho độc giả một góc nhìn tổng quan, toàn diện với những nghiên cứu mới nhất về tính chất kết cặp trong các hệ nhiều hạt (many-body systems) như các chất siêu dẫn (superconductors), các cụm (clusters) hoặc các hạt (grains) kim loại có kích thước nano, các vật liệu rắn (solid-state materiasl),... trong đó tập trung nhiều vào các hạt nhân kích thích (excited nuclei).
 
Các hạt nhân kích thích này được nghiên cứu tại nhiệt độ và/hoặc moment góc có giá trị hữu hạn được tạo ra từ các phản ứng hạt nhân như phản ứng kết hợp ion nặng (heavy-ion fusion reactions), phản ứng nhiệt hạch gây bởi hạt alpha (alpha-induced fusion reactions) hoặc các phản ứng tán xạ sâu (inelastic scattering) của các hạt nhân nhẹ lên bia hạt nhân nặng. Một số hiện tượng vật lý rất thú vị xảy ra đối với các hệ có kích thước hữu hạn trên được trình bày tổng quan trong bài báo, ví dụ như hiện tượng xóa nhòa của sự dịch chuyển pha từ trạng thái siêu dẫn sang trạng thái thông thường, các quá trình dịch chuyển pha bậc 1 và bậc 2, đặc biệt là hiện tượng tái xuất hiện của kết cặp hay siêu dẫn.
 
Những nội dung nghiên cứu này được tổng hợp trong rất nhiều bài báo đã được đăng tải ở các tạp chí khoa học uy tín. Một số bài báo tiêu biểu như:
 
-      Bài báo “Pairing correlation in excited nuclei with non-zero angular momentum” đăng trên tạp chí Physics Letters B (IF = 4.254) số 35, trang 379-382, năm 1971.
-      Bài báo “Quantal and Thermal Dampings of Giant Dipole Resonances in 90Zr, 120Sn, and 208Pb” đăng trên tạp chí Physical Review Letters (IF = 8.839), số 80, trang 4145-4148, năm 1998,...
-      Hay đặc biệt là bài báo “Simultaneous microscopic description of nuclear level densities and radiative strength functions” (Mô tả đồng thời mật độ mức và hàm lực phóng xạ của hạt nhân nguyên tử) của PGS. TS. Nguyễn Quang Hưng, TSKH. Nguyễn Đình Đăng và nghiên cứu sinh Lê Thị Quỳnh Hương được đăng tải trên tạp chí Physical Review Letters số 118, trang 022502 1-5, đầu năm 2017. Bài báo này đã lập tức nhận được thư chúc mừng của Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ của Việt Nam và được đưa tin trên bản tin truyền hình quốc gia VTV1. Trong thư chúc mừng, Bộ trưởng đã đánh giá bài báo của 3 tác giả có ý nghĩa đặc biệt đối với nghiên cứu Vật lý Hạt nhân ở Việt Nam và là niềm tự hào cho khoa học cơ bản Việt Nam.
 
PGS. TS. Nguyễn Quang Hưng hiện cũng đang nằm trong danh sách 6 nhà khoa học được đề cử giải chính giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2019.
 
PGS. TS. Nguyễn Quang Hưng chia sẻ: “Tôi thực sự cảm thấy rất vinh dự khi được Ban Biên tập tạp chí ROPP đặt hàng trực tiếp để viết bài báo này. Vì đây là lần đầu tiên tôi viết một bài báo dạng tổng quan với hàm lượng kiến thức đa dạng như vậy nên lo lắng là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, nhờ có sự hướng dẫn và hỗ trợ nhiệt tình của TSKH. Nguyễn Đình Đăng và GS. TS. Luciano Moretto, những nhà khoa học hàng đầu thế giới lý thuyết nhiệt động học hạt nhân (GS. Luciano Moretto là người đi tiên phong trong lĩnh vực trên và TSKH. Nguyễn Đình Đăng là người phát triển sâu rộng hướng nghiên cứu này và cũng là thầy hướng dẫn luận án Tiến sĩ của tôi), bài báo “Pairing in excited nuclei: A review” đã được hoàn thành một cách trọn vẹn. Đây không chỉ là sự khích lệ rất lớn mà còn là ‘trái ngọt’ cho những cống hiến trí tuệ cho đam mê nghiên cứu khoa học. Tuy chỉ là một bài báo nhưng chính bài báo này sẽ phần nào khẳng định vị trí nghiên cứu của ĐH Duy Tân nói riêng và của Việt Nam nói chung vươn tầm quốc tế.”
 
Các bạn có thể xem thêm thông tin về nghiên cứu khoa học của ĐH Duy Tân tại đây: Công bố 521 bài báo ISI/SCOPUS năm 2018
 
(Nguồn:https://www.tienphong.vn/giao-duc/pgsts-nguyen-quang-hung-va-cong-bo-quoc-te-tren-tap-chi-uy-tin-1387437.tpo
https://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/pgs-ts-nguyen-quang-hung-va-cong-bo-quoc-te-tren-tap-chi-uy-tin-20190314111037328.htm
https://thanhnien.vn/giao-duc/pgs-ts-nguyen-quang-hung-va-cong-bo-quoc-te-tren-tap-chi-uy-tin-1061473.html)